Sự nghiệp Marlon Brando

Khởi nghiệp

Marlon Brando, vai Stanley Kowalski trong bộ phim Chuyến tàu mang tên dục vọng (1951)

Brando bắt đầu nghiệp diễn xuất bằng việc tham gia các vở kịch ở nhà hát mùa hè (summer-stock) tại Sayville, New York trên đảo Long Island. Cách cư xử kì quặc khiến Brando bị loại khỏi vở kịch của trường New School ở Sayville, tuy vậy ông đã kịp tìm được một vở kịch khác. Năm 1946 với vai diễn trong vở kịch của Sân khấu Broadway Truckline Café, Brando được đánh giá là diễn viên triển vọng nhất của sân khấu Broadway. Một năm sau đó, Marlon thực sự trở thành một ngôi sao mới của sân khấu Mỹ với vai diễn Stanley Kowalski trong vở kịch của Tennessee Williams, Chuyến tàu mang tên dục vọng (A Streetcar Named Desire), vở kịch này do đạo diễn nổi tiếng Elia Kazan thực hiện. Khi tìm được vai Stanley Kowalski, Brando đã lập tức lái xe lên Provincetown, Massachusetts, nơi Williams đang nghỉ hè, để xin được thử vai, Williams đã nhớ lại rằng ngay khi ông mở cửa và quan sát chàng thanh niên này, ông nhận ra mình "đã có Stanley Kowalski". Kỹ thuật diễn có tính đột phá của Brando sau này đã trở thành hình mẫu cho nghệ thuật diễn xuất Mỹ.

Bộ phim điện ảnh đầu tiên của Brando là The Men (1950). Theo đúng phong cách diễn của mình, Brando đã dành 2 tháng trong bệnh viện dành cho các cựu chiến binh để vào vai một thương binh bị liệt cả hai chân. Sau thành công của Chuyến tàu mang tên dục vọng, Marlon Brando được hãng Warner Bros. mời thử vai cho bộ phim Rebel Without A Cause,[2] vai diễn này sau đó đã thuộc về James Dean.

Vươn tới đỉnh cao

Nhân vật đưa Brando lên vị trí một ngôi sao màn bạc một lần nữa lại là Stanley Kowalski khi ông tham gia bộ phim Chuyến tàu mang tên dục vọng (1951) cũng do Elia Kazan làm đạo diễn, người đóng cặp với Brando là nữ diễn viên huyền thoại Vivien Leigh (người thủ vai Scarlett O'Hara trong Cuốn theo chiều gió). Với vai diễn này, Brando lần đầu tiên được đề cử Giải Oscar Vai nam chính xuất sắc nhất. 3 năm liên tiếp sau đó Brando đều được đề cử cho hạng mục này với các vai diễn trong Viva Zapata! (1952), Julius Caesar (1953) và On the Waterfront (1954). Trong số 4 lần liên tiếp được đề cử này thì Brando đã một lần mang về tượng vàng Oscar với vai Terry Malloy trong On the Waterfront (cũng được đạo diễn bởi Kazan). Ngoài ra ông cũng 3 lần liên tiếp giành Giải BAFTA Nam diễn viên chính nước ngoài xuất sắc nhất từ năm 1951 đến 1953.

Brando trong vai Emiliano Zapata, phim Viva Zapata! (1952)

Năm 1953, Marlon Brando bên cạnh hai bộ phim điện ảnh còn tham gia vở kịch Arms and the Man của Lee Falk, ông đã từ chối một vở diễn ở Broadway với thù lao 10.000 USD một tuần để cộng tác với Falk trong tác phẩm này (được diễn ở Boston) với chỉ 500 USD một tuần. Đây cũng là lần cuối cùng Brando tham gia một tác phẩm sân khấu. Hai bộ phim Brando đóng năm 1953 là Julius Caesar (vai Mark Antony) và The Wild One (vai Johnny Strabler). Hình tượng tay lái moto nổi loạn Johnny Strabler do Brando tạo nên đã trở thành hình mẫu cho thế hệ trẻ Mỹ những năm 1950, rất nhiều ca sĩ rock-and-roll đã bắt chước phong thái và cách ăn mặc của nhân vật này, trong đó có Elvis Presley.

Với chỉ 5 bộ phim Brando đã trở thành ngôi sao lớn của Hollywood. Thành công này được tiếp nối bằng các vai diễn của ông trong Guys and Dolls, The Teahouse of the August Moon, The Young LionsSayonara. Bộ phim cuối đem lại cho Marlon đề cử Oscar thứ 5 trong sự nghiệp tuy vậy có vẻ ngôi sao lớn đã mất đi nguồn năng lượng diễn xuất dồi dào trong các bộ phim đầu tay. Trong thập niên 1960 tuy vẫn tham gia một số bộ phim thành công như Mutiny on the Bounty (1962) nhưng vị trí ngôi sao của Marlon Brando dần mờ nhạt vì tính khí kì quặc trong quá trình quay phim cũng như "thành tích" kéo các bộ phim phải chi tiêu vượt ngân sách hoặc khó bán vé của ông.

Bố già

[[Tập|nhỏ|phải|200px|Brando trong vai diễn huyền thoại Don Vito Corleone, phim Bố già]]Năm 1972 Brando lại chói sáng với vai diễn trong bộ phim Bố già (The Godfather) của đạo diễn Francis Ford Coppola. Coppola đã phải đấu tranh với hãng sản xuấn để Brando có thể vào vai Bố già Vito Corleone vì Paramount Pictures lo sợ "thành tích" tham gia các bộ phim thua lỗ và sự khó tính của Marlon sẽ làm ảnh hưởng tới việc sản xuất Bố già. Quyết định của Coppola đã tỏ ra đúng đắn khi Brando đã khắc họa cực kì thành công hình tượng của một trùm mafia đầy mưu mô xảo quyệt nhưng cũng sống rất tình cảm với gia đình. Nhân vật Vito Corleone của Brando đã đi vào huyền thoại và mang lại cho ông Giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thứ hai. Tuy nhiên Marlon Brando đã từ chối giải thưởng này (ông là người thứ hai sau George C. Scott từ chối giải Oscar), Brando tẩy chay buổi lễ trao giải khi không tham dự mà chỉ gửi diễn viên da đỏ ít tên tuổi Sacheen Littlefeather tới tuyên bố lý do từ chối tượng vàng, theo đó Brando phản đối việc Hollywood và các hãng truyền hình thường xuyên miêu tả lệch lạc hình tượng những người thổ dân bản địa như những kẻ dã man.

Thập niên 1970 còn chứng kiến hai vai diễn ấn tượng nữa của Brando, đầu tiên là vai nam chính trong bộ phim Last Tango in Paris của đạo diễn Ý Bernardo Bertolucci. Marlon được đề cử giải Oscar Vai nam chính thứ 7 cho vai diễn này, tuy nhiên thành công về mặt diễn xuất của ông đã bị phủ bóng bởi những tranh cãi xung quanh các cảnh quay tình dục lộ liễu trong phim giữa nhân vật của Brando và nhân vật do Maria Schneider diễn. Vai diễn đáng chú ý thứ hai của Brando là vai đại tá Kurtz trong bộ phim về Chiến tranh Việt Nam Apocalypse Now (1979) của Francis Ford Coppola. Brando một lần nữa gây ra rắc rối khi thân hình ông trở nên quá khổ so với nhân vật, vì lý do này phần lớn cảnh quay miêu tả đại tá Kurtz thường là cái bóng của ông này. Cuối cùng để thực hiện cảnh quay cận gương mặt của Brando thốt lên câu thoại "The horror, the horror", Coppola đã phải trả thêm cho Brando 75.000 USD chỉ để ông này luyện tập giảm cân. Sau Apocalypse Now Brando lại tăng cân và việc này đã làm hạn chế rất nhiều các vai diễn mà ông có thể nhận.

Giai đoạn cuối sự nghiệp

Năm 1978 Brando vào vai Jor-El, cha của Superman trong bộ phim cùng tên. Điều kiện nhận vai của Brando khá rắc rối, ông đòi được nhận thù lao cao dù chỉ xuất hiện trong phim với thời gian rất ngắn, Brando cũng yêu cầu không phải thuộc thoại mà được nhìn bản nhắc thoại từ bên ngoài. Brando cũng tham gia phần 2 của bộ phim này, Siêu nhân II (Superman II) nhưng khi nhà sản xuất không đồng ý trả khoản tiền tương ứng như phần I, Marlon đã không cho phép sử dụng các cảnh có sự xuất hiện của ông trong phim. Những cảnh này chỉ xuất hiện trong bản dựng lại của bộ phim, Superman II: The Richard Donner Cut, được phát hành năm 2006. Cũng năm 2006, 2 năm sau khi Brando qua đời (ông qua đời năm 2004), ngôi sao này đã "tái xuất" với vai Jor-El trong bộ phim Siêu nhân trở lại (Superman Returns), các nhà làm phim đã tái tạo vai diễn của Brando bằng cách sử dụng các đoạn quay trong hai phần trước cũng như phần thoại được thu âm trước đó của Marlon.

Mặc dù gần như rời bỏ nghiệp diễn từ những năm 1980, Marlon Brando vẫn có được những thành công nhất định trong các vai phụ, điển hình là vai diễn trong bộ phim A Dry White Season (1989), vai diễn này đã giúp ông có được đề cử Oscar đầu tiên ở hạng mục Vai nam phụ. Bộ phim cuối cùng Brando tham gia là The Score (2001), trong đó ông đóng chung với Robert De Niro, người cũng thủ vai Vito Corleone trong loạt phim Bố già.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Marlon Brando http://www.cnn.com/2004/SHOWBIZ/Movies/07/02/obit.... http://www.ibdb.com/person.asp?ID=32868 http://www.imdb.com/name/nm0000008/ http://www.marlonbrando.com/ http://mjnewsonline.com/board/archive/index.php/t-... http://premiere.com/brando http://home.nyc.rr.com/alweisel/premieremarlonbran... http://tcmdb.com/participant/participant.jsp?parti... http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/articles/A231... http://www.nnp.org/nni/Publications/Dutch-American...